Thứ Bảy, 12 tháng 7, 2008

Hạnh Phúc Nhỏ Nhoi

Viết cho tuổi thơ Việt Nam


Mở đầu :

Hạnh phúc và khổ đau là hai thứ luôn luôn gắn liền với con người, nhưng từ trong khổ đau đó con người luôn cố gắng vun bồi những hạnh phúc để rồi duy trì những hạnh phúc đạt được và hạn chế bớt khổ đau.

Tuy nhiên,có một thứ chủ thuyết đã tiêu diệt những hạnh phúc, đó là chủ thuyết cộng sản; và từ khi nó mang vào Việt Nam thì nhân dân Miền Bắc đã bị nó tước đoạt những hạnh phúc và sau ngày 30/4/75 thì toàn cả dân tộc đã chịu chung số phận.

Chúng ta hãy nhắm mắt lại và tưởng tượng, bất cứ một sự đau khổ nào thì cũng đều đúng và cũng đều xảy ra tại Việt Nam quê hương chúng ta, và bài viết dưới đây là 1 trong hàng triệu triệu những đau khổ đó :

* * *

Trung tuần tháng 3 năm 1976, sau gần 1 năm Miền Nam rơi vào tay Cộng sản, Phường đoàn trong từng phường của TP Saigon gọi chúng tôi lên và phát cho mỗi người 1 tờ giấy "Đơn xin Tình nguyện đi Thanh Niên Xung Phong", là những thanh niên nam nữ mới lớn sống tại TP, trước 30/4/75 chúng tôi chỉ biết cắp sách đến trường hồn nhiên vui chơi cùng chúng bạn, nhưng sau tháng 4 đen ấy chúng tôi bơ vơ lạc lõng mất cả định hướng tương lai, bạn bè đứa đã theo gia đình di tản ra nước ngoài, đứa thuộc thành phần mà CS gọi là "ngụy" nên không được đến trường học tiếp, đứa vì cuộc sống gia đình nên cũng đành bỏ học v.v....v.v.....

Để gọi là "cải tạo" Miền Nam tiến bước lên ngang hàng với Miền bắc XHCN, việc đầu tiên những kẻ chiến thắng là bắt toàn bộ Quân, Cán, Chính VNCH nhốt vào nhà tù mà họ gọi là "cải tạo", sau đó là đến các thanh niên chúng tôi mà họ nói là "đi xây dựng lại đất nước" với những khẩu hiệu lúc đó là :

"Thanh niên xung phong, vắt đất thành nước, thay trời làm mưa"
hay :
"Đâu cần thanh niên có, đâu khó có thanh niên"

Chúng tôi đành phải ra đi vì có trốn tránh cũng không được, nếu có ai đó bỏ trốn thì Công an phường sẽ đến nhà bắt cha mẹ người đó mang nhốt cho đến khi người đó ra trình diện mới thôi, cho nên chúng tôi đành phải xoay theo cơn lốc của đất nước.

Họ phân chia chúng tôi về các đơn vị từ Nông trường Lê Minh Xuân, Nhị Xuân Huyện Bình Chánh đào kênh trồng thơm, Nông trường Tam Tân Huyện Củ Chi đào kênh xây dựng nhà kinh tế mới đến Phước Long, Sông Bé, Tây Ninh, Lâm Đồng, Bà Rịa để khai hoang thành lập các nông trường và xây dựng những khu kinh tế mới, chúng tôi ra đi.....

Năm 1978, đơn vị chúng tôi di chuyển về Tây Ninh làm công việc khai thác lâm sản, vì thiếu nhà để ở nên đôi chúng tôi được cắt đặt đi chặt tre về làm cột và kèo, đường vào rừng tre khoảng 10 cây số nên chúng tôi phải mang theo nồi, niêu, soong, chảo và lương thực nấu ăn tại chỗ, đội có nhiệm vụ đốn tre đủ kích thuớc chất vào 1 chỗ để đội khác vác về.

Đốn tre là một công việc rất vất vả và nguy hiểm, nếu muốn chặt 1 cây không phải là cứ xông bừa vào mà chặt vì tre có rất nhiều gai, cho nên phải tìm cách trèo lên ngọn tre xong trèo vào giữa bụi, leo xuống rồi từ đó chặt ra vì thế dễ rách quần áo hoặc rách da (chưa kể nếu không khéo có thể té xuống bụi gai nữa) mà quần áo mỗi năm mỗi người chỉ được 2 bộ, nên mỗi khi bị đi chặt tre là chúng tôi lại nhớ tới câu "rách da còn lành chứ rách quần áo thì không bao giờ lành cả" cho nên mỗi đứa chúng tôi chỉ mặc độc chiếc quần đui lên đường.

Gần rừng tre có 1 khu kinh tê mới được xây dựng từ năm 76, vì buổi sáng đi trễ nên đến nơi trời cũng gần trưa, chúng tôi vội kiếm nhà dân gần đó để xin được cất đồ đạc và nấu nướng, sát cạnh rừng tre cuối khu kinh tế mới ẩn hìện một nếp nhà tranh bạc phơ mục nát, khi đến nơi chúng tôi thấy một bé trai thân hình gầy gò nhỏ bé tuổi trạc lên 5 với nước da đen cháy, đầu tóc bù xù đang chăn 1 con trâu cho ăn cỏ - Khi chúng tôi đến gần, em nhìn chúng tôi bằng ánh mắt buồn bã; Chúng tôi hỏi :

- Nhà em ở đây phải không?
Em gật đầu không đáp, chúng tôi hỏi tiếp :
- Em ỡ nhà với ai? Em nhút nhát trả lời :
- Với Mẹ
- Mẹ em đâu?
- Mẹ đi làm nông trường
- Vậy em cho tụi anh để nhờ đồ đạc và nấu ăn được không?
Em gật đầu

Bước vào sân, chúng tôi thấy còn một em gái khoảng 3 tuổi thân hình khô đét đang ngồi lê dưới đất nghịch mấy hòn đá cuội, trông thấy chúng tôi em òa lên khóc, nghe tiếng em khóc thằng anh chạy vào bồng em lên đi vào nhà.

Trong căn nhà tranh thật là thê thảm, chỉ độc nhất 1 chi61c chõng bằng tre, phía cuối nhà đặt 3 cục gạch làm bếp, vài cái nồi, chén đũa vất chỏng trơ, chúng tôi vội dọn dẹp, xong để đồ đạc vào một góc rồi bắt đầu nấu nướng, vừa làm chúng tôi vừa hỏi em trai :

- Em tên gì?
- Minh
- Em bao nhiêu tuổi?
- 8
- Còn em gái em tên gì?
- Hoa
- Mẹ em chừng nào về?
- Trưa
Thằng bé trả lời nhát gừng, cụt ngủn

*
* *


Khi chúng tôi nấu ăn xong, đang dọn ra thì mẹ hai em về đến, người đàn bà trông thật lam lũ với bộ quần áo nhàu nát đẫm ướt mồ hôi, chị xách 1 cái giỏ cói trong đó đựng một ít củ khoai, gương mặt chị hốc hác nám đen theo thời gian nắng gió, duy chỉ có đôi mắt chị mặc dù trông rất buồn nhưng vẫn tỏa ra ánh sáng dịu dàng, hiền thục.

Chúng tôi vội đứng lên chào chị và nói lý do xin ở tạm, chị gật đầu nói :

- Các em cứ tự nhiên, chị còn phải nấu mấy củ khoai cho các cháu.

Chúng tôi ngăn chị lại và nói :

- Mời chị cùng các cháu ăn chung với tụi em cho vui.

Trong lúc ăn chị tâm sự :

"Ngày xưa sau khi tốt nghiệp Trung học Trưng Vương, chị vào học Sư phạm ra trường làm Cô Giáo, trong một buổi liên hoan cuối năm chi gặp anh là một Sĩ quan thuộc Tiểu đoàn 2 Trâu Điên Thủy Quân Lục Chiến, sau đó anh chị làm đám cưới và lần lượt cho ra đời 2 cháu Minh và Hoa; Mặc dù lúc đó với đồng lương lính của anh, đồng lương cô giáo ít ỏi của chị nhưng hai cháu vẫn có cuộc sống no đủ, cũng có thịt, cá để ăn, sữa đường để uống, còn bây giờ......." chị dừng lại ở đây nghẹn ngào cố nuốt trôi miếng khoai trong miệng hay cố nuốt một sự tủi nhục khổ đau.....

"Sau 30/4 (chị kể tiếp) khi họ tràn vào tịch thu khu cư xá sĩ quan, đuổi mẹ con chị ra ngoài, sau đó anh bị bắt đi tù "cải tạo" còn mẹ con chị bị đưa lên đây đến nay đã được 2 năm.

Ngồi nhìn 2 em trệu trạo nhai những củ khoai chúng tôi thật là đau xót, chúng tôi chợt nhớ đến 1 bản nhạc (quên tựa và nhạc sĩ sáng tác) có câu đầu như sau :

" - Hôm nay Hòa bình sao mắt Mẹ không vui....."

Đất nước chúng tôi hòa bình rồi sao??? Phải! đất nước chúng tôi không còn bom rơi đạn nổ nhưng Mẹ VN làm sao vui được khi :

- Những anh tài của đất nước đang bị tù đày ở khắp nơi rừng thiêng nước độc, khi một vị Bác sĩ phải đi đỡ đẻ cho heo của cán bộ trại, khi một Kiến Trúc sư phải làm chuồng gà cho cán bộ quản giáo v.v...

- Những Phụ nữ Việt như chị đáng lẽ đang đứng trên bục giảng khai tâm mở lối cho tuổi thơ Việt Nam chứ.

- Những lớp thanh niên như chúng tôi là rường cột của nước nhà, đáng lẽ đang ngồi trong các phòng học hay các giảng đường Đại học.

- Những bé thơ Việt Nam, vâng, nhất là những bé thơ VN đáng lẽ đang tung tăng cắp sách đến trường, đáng lẽ phải được hồn nhiên vui tươi chạy nhảy với những trò chơi nhảy dây, đánh bi, đánh đáo; Thì bây giờ các em như Minh tuổi lên 8 mà như đứa bé lên 5 phải chăn trâu cho nông trường, như bé Hoa 5 tuổi mà như đứa bé lên 3 âm thầm thui thủi một mình trong một góc của khi kinh tế mới........

Trong những ngày chặt tre tại đây chúng tôi đã cố gắng sửa chữa lại căn nhà cho me con chị,

Một hôm đội chúng tôi được phát một số gạo ít ỏi, khi mang ra vo để nấu độn với khoai chúng tôi nhìn thấy trong mắt của hai em bừng lên tia sáng; Cho nên, sau khi nấu chín, chúng tôi đã vét số cơm ít ỏi ấy vào 2 cái chén và đưa cho hai em, nhìn đôi tay hai em rung rung đỡ lấy chén cơm, nhìn vào mắt hai em những đôi mắt ấy cho chúng tôi biết, phải cho chúng tôi biết là những thanh niên của "Miền Nam Việt Nam" vẫn còn có tình người và điều quan trọng hơn cả là chúng tôi đã đem đến cho các em một nguồn hạnh phúc mặc dù chỉ là một tí , phải một tí "Hạnh Phúc Nhỏ Nhoi"

Hết
Viết thêm : Câu chuyện này hoàn toàn có thật, nơi đó bây giờ là đập Dầu Tiếng, chúng tôi không biết bây giờ chị và các cháu ra sao? đã đoàn tụ được với anh hay chưa? - Và nếu chị có đọc được những dòng chữ này xin cho chúng tôi được cầu chúc gia đình chị tràn đầy Hạnh phúc chứ không phải là một tí "Hạnh phúc nhỏ nhoi"

# Bài viết này cũng để kính tặng các anh chị trong Ban Từ Thiện Phụ Nữ Việt nhân đọc các bài tường trình sinh hoạt của các anh chị

bienchet (viết trong mùa Lễ Tạ Ơn năm 2005)
đánh máy do Bà xã : bupbenhatban

Không có nhận xét nào: